Bạch kim và vàng trắng, xin đừng nhầm lẫn!

time-icon 19/03/2024 time-icon Đăng bởi: Lucy Jewelry

Bạch kim và vàng trắng - hai kim loại quý có vẻ ngoài tương tự nhau, thậm chí khiến nhiều người khó phân biệt. Chúng ta thường băn khoăn khi đứng trước sự lựa chọn giữa hai vật liệu này. Bạch kim hay vàng trắng, cái nào tốt hơn? Dưới đây là tổng hợp nhỏ của Lucy, hi vọng có thể giúp bạn tìm ra câu trả lời.

Màu sắc

Không phải ai cũng biết, vàng trắng không có màu trắng tự nhiên. Nó là kết quả của sự phối trộn giữa vàng tinh khiết và các hợp kim màu trắng khác như Palladium, Nickel hay bạc, đồng theo tỉ lệ nhất định, sau đó được phủ một lớp mạ Rhodium để mang một vẻ ngoài trắng bóng.

Tại sao phải kết hợp vàng với kim loại khác? Mục đích là khiến vàng trở nên cứng hơn, bởi vàng nguyên chất (hay còn được gọi là vàng 24K) vốn rất mềm, dễ bị uốn cong, do đó chúng hầu như không được sử dụng trong chế tác trang sức. Các loại vàng phổ biến được biết tới như 10K, 14K, 18K ra đời dựa trên phần trăm vàng tinh khiết có trong hợp chất.

Khác với vàng trắng, bạch kim là một kim loại mang sắc trắng sáng tự nhiên trường tồn theo thời gian. Thông thường, trang sức bạch kim chứa 90% - 95% bạch kim nguyên chất, phần trăm còn lại là Ruthenium hay Palladium – các kim loại quý cũng thuộc họ bạch kim.

 

Quá trình bảo dưỡng

Rhodium là một kim loại cứng, trắng thuộc họ bạch kim. Tác dụng của lớp mạ Rhodium là giữ cho vàng trắng có màu sáng trắng tự nhiên, không bị xỉn và không dễ bị xước. Nếu không có lớp Rhodium phủ ngoài, vàng trắng sẽ có màu trắng nhạt hoặc vàng nhạt. Lớp mạ này rất mỏng, thậm chí mỏng hơn độ dày của một sợi tóc. Điểm hạn chế của nó là không thể duy trì mãi mãi. Mồ hôi, nước mắt, độ cân bằng PH... có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của lớp mạ này, nó sẽ mờ dần và lộ ra lớp vàng phía trong. Quá trình này diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào mức độ sử dụng và thói quen sinh hoạt của bạn. Để duy trì vẻ ngoài như mới, loại vật liệu này được khuyến nghị đánh bóng, mạ Rhodium định kỳ.

Việc bảo trì đối với bạch kim dễ dàng hơn bởi độ tinh khiết cao của kim loại này. Bạch kim không cần mạ, cũng không bị xỉn màu, chỉ cần đánh bóng đơn giản món đồ của bạn sẽ luôn sáng bóng như ngày đầu.

Trang sức vàng trắng sau và trước khi mạ Rhodium.

 

Chi phí

Bạch kim là kim loại quý hiếm hơn nhiều so với vàng trắng. Bên cạnh đó, mức độ tinh khiết là một trong những nhân tố chính dẫn đến sự khác biệt về giá thành giữa bạch kim và vàng trắng. Độ tinh khiết của bạch kim là 90-95%, vàng 18K và 14K lần lượt là 75% và 58,5%. Thêm vào đó, vì là kim loại đặc hơn, có mật độ cao hơn 20%, một chiếc nhẫn bạch kim nặng hơn khoảng 50% một chiếc có thiết kế tương tự bằng vàng trắng.

Chi phí bảo dưỡng định kỳ cũng nên được lưu tâm đến nếu bạn là người có thói quen chăm chút cho món đồ trang sức yêu thích của mình, ở khía cạnh này bạch kim có tính kinh tế hơn.

 

Khả năng kích ứng da

Cả bạch kim và vàng trắng đều an toàn để sử dụng vì chúng là những kim loại quý tương đối tinh khiết. Tuy nhiên, nếu bạn từng trải qua cảm giác bị mẩn ngứa, phát ban do dùng một món đồ trang sức, rất có thể bạn nằm trong nhóm 5-10% dân số dị ứng với Nickel. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn cần cẩn trọng hơn nếu đeo một chiếc nhẫn vàng trắng bởi khi lớp mạ Rhodium bị mài mòn, tuỳ thuộc hàm lượng Nickel trong vàng có thể gây hiện tượng kích ứng da. Trái lại, bạch kim sẽ là một lựa chọn khá tin cậy nếu bạn có một làn da nhạy cảm, kim loại này được biết đến là ít gây dị ứng nhất trong số các kim loại được sử dụng làm đồ trang sức.

 

Độ bền

Khi nhắc đến độ bền của vàng trắng và bạch kim, cả hai đều có lợi thế theo những khía cạnh khác nhau, bao gồm mức độ cứng và tính dễ uốn. Thông thường, rất dễ nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này. Độ cứng đề cập đến khả năng chống trầy xước, bị lõm, xước và hao mòn nói chung của kim loại, trong khi tính dễ uốn là mức độ dễ dàng mà bạn có thể uốn cong và tạo hình kim loại. Khi một kim loại không dễ uốn, nó được hiểu là khá giòn.

(Trang sức bạch kim khi mới và sau một thời gian dài sử dụng)

 

Là hợp chất giữa vàng và các kim loại cứng như Palladium, bạc, đồng..., vàng trắng là kim loại cứng và giòn hơn bạch kim, nó không dễ bị xước hoặc móp, trang sức vàng trắng có khả năng đáp ứng tốt cho nhu cầu sử dụng hàng ngày của bạn. Ngược lại, bạch kim là vật liệu mềm, có tính dễ uốn cao hơn (dẻo hơn) vàng trắng đồng thời cũng dễ xước hơn bởi mật độ cao hơn. Trong ngành trang sức, các nhà chế tác thường đề cập đến tính trơ khi nhắc đến bạch kim, chúng là vật liệu không dễ xử lý, cần đến bàn tay tài hoa của những người thợ lâu năm kinh nghiệm. Chính vì thế, bạn nên cân nhắc kĩ lưỡng lựa chọn một đơn vị uy tín để có thể sở hữu món đồ trang sức ưng ý. Một chiếc nhẫn cưới làm bằng bạch kim có thể được đeo trong nhiều thập kỷ, có thể bị mất đi độ bóng và các cạnh sắc khá nhanh nhưng hầu như không mất đi độ dày. Tựu chung, cả hai kim loại đều là sự lựa chọn tuyệt vời để giữ và bảo vệ các loại đá quý, chúng rất bền.

“Bạch kim và vàng trắng, vật liệu nào tốt hơn?” Với những ưu điểm của từng loại, không có đáp án chung cho tất cả mọi người. Câu trả lời phụ thuộc vào ngân sách, thiết kế, phong cách và sở thích cá nhân của bạn... Hi vọng với những thông tin trên, bạn sẽ có thêm tự tin để đưa ra lựa chọn phù hợp cho chính mình.

 

Bài viết được tổng hợp và viết lại bởi Lucy Jewelry

Viết bình luận của bạn: